Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa đồng nguyên
bay 悲
đt. ngươi, đồng nguyên với mày. Quan cao nhắn nhủ môn đồ nọ, hoạn nạn phù trì huynh đệ bay. (Bảo kính 145.6).
buồn 悶
◎ Nôm: 盆 煩/悶 đều là các đồng nguyên tự, âm HTC là biuan/ biuən [Vương Lực 1982: 525]. Ss đối ứng puən, buən, pʼiən (thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 182].
tt. lo nghĩ về điều không được như ý muốn. Giang san cách đường nghìn dặm, sự nghiệp buồn đêm trống ba. (Tự thán 94.6). x. của cởi buồn.
bà ngựa 𱙘馭
ngọ 午: ngựa [Vương Lực 1958: 36]. Dừng ngựa là ngự 御, 馭, các đồng nguyên tự trên có kiểu tái lập là *ngia [Vương Lực 1982: 139-140; LQ Kiệt 1999: 308]. Chữ 馭 là chữ chỉ ý gồm cái tay (又) và con ngựa. Chữ 御 là chữ hình thanh kiêm chỉ ý: bộ xích 彳 trỏ con đường, chữ ngọ 午 trỏ con ngựa (đồng thời là thanh phù), dưới là chữ chỉ 止 (dừng, hãm), bộ tiết 卩 trỏ cái roi. Ngoài ra, còn có chữ 卸 với nghĩa là dỡ đồ [Karlgren 1923: 238], nhưng lại lấy tiết 卩 làm thanh phù nên đọc là , có lẽ nghĩa gốc là dỡ đồ từ trên lưng ngựa xuống, cho nên mới có ngọ 午 làm ý phù. Karlgren tái lập âm của ba chữ 馭,御,禦 là *ngiʷo’ [1923: 376]. Ngoài ra còn có ngự 午卩 , mà Huệ Thiên (2004: 305-310) coi là một đồng nguyên tự của ngọ. Norman (1985: 88) coi 午 là từ mượn của Mon Khmer, chua tiếng Việt có ngựa, proto Việt-Mường là maŋəə [Ferlus 1992: 57]. Schuessler (1987: 519) tái lập 午 là *ŋuoᴮ LH *ŋa, OCM *ŋâ, đồng thời cũng xác nhận 御 là đồng nguyên tự và tái lập là *ŋjwoᴮ (1987: 590). Với cứ liệu maŋəə từ tiếng Pakatan, và các cứ liệu bà ngựa trong tiếng Việt cổ có thể nghĩ đến giả thuyết rằng đây là lưu tích của một từ để trỏ ngựa trong tiếng HTC, từ này vốn có tổ hợp phụ âm đầu *- (ng có tiền mũi) mà là lưu tích của tiền mũi *m-, còn *ŋ- trong ngọ, ngựa là lưu tích của *-. Cũng có khả năng maŋəə là cách đọc Việt hoá vào giai đoạn tiếng Việt cổ, như lốc, trọc, trốc ngày nay vốn xuất phát từ một âm Việt hoá vào thế kỷ XV là *tlốc vốn có nguyên từ là độc 髑. x. trốc, x. mắng.
dt. <từ cổ> con ngựa. (Thủ vĩ ngâm 1.4)‖ (Tự thuật 114.3)‖ Dợ đứt khôn cầm bà ngựa dữ, quan cao nào đến dạng người ngây. (Bảo kính 137.3)‖ sách đối đan trì, văn chói chói gấm trên bà ngựa (Lê Thánh Tông - Thập giới cô hồn…)‖ xích tiểu đằng là dây răng bà ngựa…mã hành lấy não bà ngựa (Tuệ Tĩnh - nam dược Quốc Ngữ phú).
bới 摆
đgt. bươi ra, xới ra, gạt lớp phía che phủ bên trên để nhặt ra, chọn ra. Gà bới thóc. Bươi- xới- bới là chuỗi đồng nguyên. Bể học trường văn hằng nhặt bới, đường danh suối lợi hiểm khôn tìm. (Bảo kính 150.3). Chữ “bới” ở đây đồng nghĩa với chữ “xới”, “cày”. So sánh với câu: khoẻ cày ruộng thánh đà nhiều khóm, được dưỡng sào văn vô số phần. (Nghiễn trung ngưu 254.5).
chận 瞋
◎ Nôm: 陣 AHV: trận. Xét, đối ứng gi- (HHV) ~ s- (AHV), như: giường ~ sàng 床 , giò (gà-) ~ sồ 雛 (con so, con non). Ss đối ứng gện [Rhodes 1651], chjấn (Lâm La), chẩn (bái đính), chân (tân ly), chơn (Hạ Sữu, uy lô, Thái Thịnh) [Gaston 1967: 142]; quá trình ch- > gi- diễn ra sau thời điểm soạn An Nam dịch ngữ [NN San 2003: 205]. Chuỗi đồng nguyên: sân giận trong tiếng Việt, vốn xuất phát từ 瞋. Xét, chữ “瞋” nghĩa gốc là “trừng mắt” (張目也) [Thuyết Văn] sau cho nghĩa “giận dữ” (Quảng Vận). Xét, ở thế kỷ XVII, ngữ tố này có thuỷ âm c- (như Rhodes và các thổ ngữ Mường). ở thế kỷ XV, có thể là một thuỷ âm kép. Kiểu tái lập: *kcan⁶. Quá trình du nhập từ tiếng Hán sang tiếng Việt như sau: sân > *kcan > chận > giận. Trong đó, *kcan là âm HHV ở thế kỷ XV, giận là âm HHV ở thế kỷ XVIII đến nay. Ngoài ra, các đối ứng có c- ở tiếng Mường đều là các âm Hán Mường. Chữ “giận hờn” dịch từ chữ “sân hận”.
đgt. tức. Chận làm chi, tổn khí hoà, nào từng hữu ích, nhọc mình ta. (Giới nộ 191.1)‖ (Miêu 251.8).
cuối 季
◎ Nôm: 檜 AHV: quý, đọc theo âm THV. Sách Thuyết Văn ghi: (究窮也). Kinh Thi phần Tiểu nhã ghi: “Ta chinh phạt phía tây, đến tận đồng cỏ xa xăm” (我征徂西,至于艽野). Chuỗi đồng nguyên trong tiếng Hán : 究= 窮 = 艽, kiểu tái lập: giuəm [LQ Kiệt 1999: 191- 192]. Xét, cả ba chữ trên đều có nghĩa gốc là “cái hang sâu”. Lại xét, 季 là “con cuối” (con út), “季弟” (em út) sách Nghi Lễ có chữ “季指” (ngón út). Lại có các từ như “季月” (cuối tháng), “季世” (cuối đời), “季春之月” (tháng cuối xuân). Xét, từ “cuối cùng” là cách đọc cổ của “究窮”, cứu cánh (cuối cùng) < 究竟. Ss đối ứng kuəj (28 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 204]. Đây là từ hán Việt-Mường.
dt. HVVD phía sau cùng của một không gian. Tằm ươm lúc nhúc, thuyền đầu bãi, hàu chất so le, cụm cuối làng. (Ngôn chí 9.6, 18.6)‖ (Nhạn trận 249.1).
cũi 匭
◎ Nôm: 櫃 (tục tự), AHV: quỹ, ABK: guǐ. cũi có các đồng nguyên tự là quỹ 匭 (cái hộp, cái thùng) 匱 (hòm, rương), 柜 = 樻 (tủ), 柩 (cữu, trong linh cữu). liêm: liềm, trửu: chổi, quỹ: cũi, sương: rương < 鐮鐮帚耒櫃櫃箱楊 (Tam Thiên Tự: 38). Ngoài ra, trong tiếng Việt còn có âm Việt hoá là quầy trong quầy hàng.
dt. chuồng nhỏ để nhốt thú. Hùm oai muông mạnh còn nằm cũi, khiếu hót chim khôn phải ở lồng. (Tự giới 127.5)‖ Cũi bát trong nhà (Chỉ Nam ngọc âm, 41)‖ long hạm: cũi mèo giữ cầm (Chỉ Nam ngọc âm, 41b).
cơn 根
◎ Nôm: 干 cơn là âm THV có âm phiên thiết là cân, AHVcăn, có nghĩa là “gốc”, “rễ”, “nguồn gốc” [Huệ Thiên 2006: 377] ví dụ: căn nguyên = nguồn cơn (căn do) [Paulus của 1895: 187]. Trong tiếng Hán, 根 trỏ rễ cây, 荄 (cai) trỏ rễ cỏ. Như vậy, đây đều là đồng nguyên tự, có thể tái lập nguyên từ là kal. Mặt khác, từ cơn phan ngọc cho là từ kal gốc Khmer với nghĩa là lúc [ĐDA 1987: 91]. kal là từ Khmer gốc Sanskrit là kalā có nghĩa là phần, bộ phận, phần thời gian. Huệ Thiên cho rằng, không có mối liên hệ về nghĩa giữa kalcơn (2006: 377) là không chính xác, bởi cơn trong cơn gió, cơn bệnh, cơn giận, cơn điên, cơn mưa, đòi cơn, cơn rét, có cơn… đều là mang nghĩa “lúc”. Như vậy, cơn (trong nguồn cơn, cơn cớ) là gốc Hán, ngẫu nghiên đồng âm với cơn (cơn mê) là từ gốc Khmer-Sanskrit.
dt. HVVD lượng từ, trỏ khoảng thời gian xảy xa một hiện tượng tự nhiên hay hiện tượng tâm sinh lý. Mấy phút om thòm dường tích lịch, một cơn lừng lẫy tựa phong ba. (Giới nộ 191.6). Cơn lừng lẫy: cơn giận.
cạn 乾
◎ Nôm: 𣴓 AHV: can. Âm cạn là âm PHV. Đồng nguyên với chữ hạn 旱, lưu tích âm này còn thấy trong thanh phù can 干. 旱 và 乾 là các đồng nguyên tự, lần lượt được tái lập là: kan , *kân và ganᴮ, *gân? [Schuessler 1988: 249]. Chuỗi đồng nguyên: hạn - khan - khàn - cạn. Ss đối ứng: kan (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 185].
tt. nông (do rút bớt lượng nước). Dễ hay ruột bể sâu cạn, khôn biết lòng người vắn dài. (Ngôn chí 6.5)‖ (Thuật hứng 69.3)‖ (Tự thán 109.3)‖ (Bảo kính 153.5).
cốm 粓
◎ Nôm: 𥼲 cốm, cám, cơm là các đồng nguyên tự gốc Hán, AHVcám (nước gạo). Sang tiếng Việt đã được chuyển nghĩa, tách từ. cám: loại gạo giã (Paulus của 1895), nay trỏ loại ngũ cốc đã xay giã để cho gia súc. cốm: loại gạo giã từ thóc nếp non. cơm: trỏ gạo đã nấu chín. x. cơm.
dt. món làm từ thóc nếp non. Lân cận nhà chàu no bữa cốm, bạn bè kẻ trộm phải đau đòn. (Bảo kính 148.3). Danh hoạt là cốm non thay xanh vàng. (CNNA 15).
cứng 勁
AHV: kính, ngạnh. cứng có các đồng nguyên tự: kính 勁 (cứng cỏi, trỏ sức lực), cương 剛 (cứng bền của lưỡi dao, cương trực), cứng 硬 (cứng, về đá) [xem TT Dương 2011b]. Ss đối ứng kɯŋ (26 thổ ngữ Mường), krɔŋ [NV Tài 2005: 204]. Như vậy, “cứng” là từ hán Việt-Mường, dạng có kr- là gốc Nam Á.
tt. trái với mềm. Non cao non thấp mây thuộc, cây cứng cây mềm gió hay. (Mạn thuật 26.4)‖ (Tự thán 93.5)‖ (Bảo kính 131.5)‖ (Trư 252.1).
tt. cứng cỏi, có khí tiết, dịch chữ kính tiết 勁節, thường lấy đốt trúc cứng để ví. Trúc Tưởng Hủ nên thêm tiết cứng, Mai Lâm Bô đâm được câu thần. (Tự thán 81.3)‖ (Tích cảnh thi 200.1)‖ (Trúc thi 222.4, 223.1).
dường 樣
◎ Nôm: 楊 / 羕 AHV: dạng. Chuỗi đồng nguyên tự gồm: dáng, dạng, dường.x. một dường.
k. có lẽ là. Con đòi trốn, dường ai quyến, Bà ngựa gày, thiếu kẻ chăn. (Thủ vĩ 1.3)
k. có vẻ như. Âu lộ cùng ta dường có ý, (Tự thán 101.7).
k. gần như, giống như. (Bảo kính 158.5)‖ Mấy phút om thòm dường tích lịch, Một cơn lừng lẫy tựa phong ba. (Giới nộ 191.5).
dời 移
AHV: di, dời đọc theo âm THV. x. day. di có bộ hoà, trỏ việc nhổ mạ đi cấy (移,移秧也。種稻必先苗之而移之,遷移之義取焉) [Thuyết Văn], tiếng Việt còn bảo lưu chữ “di thực”, sau mới có nghĩa mở rộng là “chuyển di”, “cải biến”, “đổi thay”. Chuỗi đồng nguyên: di - đi - dời - day. x. đi.
đgt. vận chuyển đi. Nhẫn thấy Ngu công tua sá hỏi, non từ nay mựa tốn công dời. (Thuật hứng 59.8).
đgt. đổi thay, đổi dời. Tự nhiên đắp đổi đạo trời, tiêu trưởng doanh hư một phút dời. (Tự thán 104.2).
đgt. chuyển vị trí. Đằm chơi bể học đã nhiều xuân, dời đến trên an nằm quải chân. (Nghiễn trung ngưu 254.2).
đgt. HHVH. <từ cổ> bỏ đi. Liêm, cần tiết cả tua hằng nắm, trung, hiếu niềm xưa mựa nỡ dời. (Ngôn chí 10.6).
gạch 甓
◎ 󰍮, tục tự của bích 甓 (gạch), là chữ Nôm đọc nghĩa, chữ này đồng nguyên với bích 壁 (vách: cái xây bằng gạch). Kiểu tái lập: ?gak⁶ (a- gạch). Về ?g- [xem HT Ngọ 1999: 58, 61, 111, 114, 115]. Shimizu Masaaki cho rằng các ví dụ gày, gõ thuộc cấu trúc song âm tiết [2002: 768]. “gạch” (với *?g-) chuẩn đối với “sừng” (với *kr-) và đều được song tiết hoá.
dt. viên đất nung dùng để xây nhà. Gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. (Tự thán 92.3). Các bản khác đều phiên “gạch quẳng”, cho là điển “phao chuyên dẫn ngọc 拋磚引玉 (ném gạch ra để dẫn dụ ngọc đến) để nói về chuyện làm thơ [cụ thể xem TT Dương 2013c]. ở đây phiên “gạch khoảng nào bày với ngọc” dẫn điển 瓦玉集糅 (ngoã ngọc tập nhu) tương đương với thành ngữ “vàng thau lẫn lộn” trong tiếng Việt. Vương Sung đời Hán trong sách Luận Hành viết: “Hư vọng lại mạnh hơn chân thực, quả là loạn trong đời loạn, người chẳng biết đâu phải đâu trái, chẳng phân biệt màu đỏ màu tía, chung chạ bừa bãi, gạch ngói chất bừa, ta lấy tâm ta mà nói về những chuyện đó, há lòng ta có thể chịu được chăng?’” (虛妄顯於真實誠亂於偽世人不悟是非不定紫朱雜厠瓦玉集糅以情言之豈吾心所能忍哉). Nguyễn Trãi đã dùng thành ngữ này để đối với một thành ngữ khác ở câu dưới là “sừng mọc quá tai”, thành ngữ sau là một thành ngữ thuần Việt, gần nghĩa như câu hậu sinh khả úy. x. khoảng.
gẩm 錦
◎ “Bahnar: găm, noir (ris) noir, moisi.” [Schneider 1987: 424]. Mô hình ghi âm của chữ Nôm: c(h). cẩm là âm Hán Việt, như trong từ thập cẩm, lại có âm Hán Việt Việt hoá là gấm. Dựa vào cứ liệu này, Gaston tái lập là k’həm, diễn biến: k’həm> hẩm [1967: 37]. Dựa vào đối ứng găm (đen) trong tiếng Bahnar, Schneider đọc là gẩm [1987: 425]. hẩm (nghĩa: cơm gạo vì để lâu quá nên bị mục ải, mất chất và có màu đen), có lẽ đồng nguyên với từ cẩm (đen) trong gạo cẩm, nếp cẩm. Rhodes ghi “hẩm, gạo hẩm: gạo đen mốc mốc. gạo hởm: cùng một nghĩa” [1994: 112]. Kiểu tái lập: *kʰham³> gẩm/ hẩm.
tt. (cơm gạo) bị mục ải, mất chất vì để lâu quá. Khách hiền nào quản quen cùng lạ, cơm đói nài chi gẩm miễn khê. (Bảo kính 141.4).
gẫm 吟 / 𡄎
◎ Nghiệm 騐 / 驗, niệm 念, nẫm 稔, nhẫm 恁 đều là các đồng nguyên tự, với nghĩa “suy nghĩ, ngẫm nghĩ”. [Vương Lực 1982: 609; Schuessler 2007: 400]. Mối quan hệ ngữ âm k - ng - n - g còn thấy trong thanh phù niệm 念, mà niệm lại có thanh phù gốc là câm 今. Lưu tích thấy qua mối tương ứng trong tiếng Việt: ngẫm - gẫmngẫm ngọt. ”những song thức có ng - g: ngáy - gáy, ngắt - gắt, con nghẹ - con ghẹ, nghiện - ghiền, ngẫm - gẫm, nghé mắt - ghé mắt”. [NT Cẩn 1997: 32], ghếch (mắt) - nghếch mắt, ghiền (thuốc) - nghiện, gước (mắt) -ngước, gang - ngang (nói) [NN San 2003b: 197].
đgt. gẫm. Sách Thuyết Văn ghi: “Niệm là luôn nghĩ vậy” (念,常思也). Văn này gẫm thấy mới thon von, thương hải hay khao, thiết thạch mòn. (Thuật hứng 49.1)‖ (Tự thán 87.1)‖ (Bảo kính 147.7, 182.4, 182.8)‖ (Trúc thi 223.4)‖ (Lão hạc 248.1).
gặp 及
◎ Nôm: 趿 AHV: cập âm HTC: g(r)jip [Baxter 1992: 558]. Còn có âm đồng nguyên nữa là kịp. Xét, trong số 7 lần xuất hiện, “gặp” 5 lần ở câu sáu chữ, 2 lần ở câu đủ bảy chữ. Như vậy, thế kỷ XV có song thức ngữ âm. Kiểu tái lập: *?gap⁶ (*a- gặp). x. gầy, x. gánh. Ss đối ứng kăp, kʼăp, ɤăp (23 thổ ngữ Mường), tol, dol, don (5 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 221]. Như vậy, “gặp” gốc Hán, “tới” gốc Việt-Mường. .x tới.
đgt. <từ cổ> tìm thấy. Thiên Thai hái thuốc duyên gặp, Vị Thuỷ gieo câu tuổi già. (Thuật hứng 54.5).
đgt. vào lúc mà có được, vào dịp mà thấy được, đến khi, đến lúc, dịch chữ cập kỳ 及期. Từ ngày gặp hội phong vân, bổ báo chưa hề đặng mỗ phân. (Trần tình 37.1)‖ (Tự thán 99.1)‖ (Bảo kính 135.7)‖ Gặp tiết lương thần. (Vãn xuân 195.1)‖ Gặp xuân. (Đào hoa thi 230.4).
hiềm 嫌
◎ Các đồng nguyên tự: hềm, hèm (tên hèm), khem (kiêng khem). hềm vì đó ý phụ đây, non nhân nước trí vui vầy mới xuê. cd tục tự: 嫌.
đgt. HVVD <từ cổ> e, ngại, sợ. Thơ đới tục hiềm câu đới tục, chủ vô tâm ỷ khách vô tâm. (Ngôn chí 5.5, 10.7, 13.7)‖ (Mạn thuật 33.3)‖ (Trần tình 38.8)‖ (Tự thán 71.3, 76.1, 105.3, 115.4)‖ (Bảo kính 130.5, 134.3)‖ (Cúc 240.3). x. trách hiềm.
hàm 頷
hàm còn có các đồng nguyên tự là cằm, càng hàm, ngàm, gằm, gặm, ngâm, ngậm [TT Dương 2011b]. Ss đối ứng ham (26 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 226]. Như vậy, hàm là từ hán Việt-Mường.
dt. bộ nhai của động vật. Dài hàm nhọn mũi cứng lông, được dưỡng vì chưng có thửa dùng. (Trư 252.1).
hớp 哈 / 吸
hớp: đọc âm THV. 哈 đồng thời là nguyên từ của (trong hà hơi), ngáp (trong cá ngáp) và ha (trong từ ha ha). Chữ 吸 (hấp) nghĩa là hít vào (trong từ hô hấp). Trong tiếng Hán, 吸 và 哈 là những đồng nguyên tự. Tuy nhiên, các văn bản nôm thường dùng thông các tự hình này [NQH 2006: 500]. AHV: cáp (thanh phù: hợp), ABK: ha.
đgt. uống. Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén, Ngày vắng xem hoa bợ cây. (Ngôn chí 11.3). Bến trăng cá hớp trăng. (TKML iii 39b).
khói 灰
◎ Nôm: 𤌋 {火 hoả + 塊 khối}. Chữ 灰 có AHVhôi, khôi với nghĩa “lửa lụi gọi là khôi” (火之滅者為灰) [Lễ Ký- nguyệt lệnh]. Ss đối ứng kʼɔj (30 thổ ngữ Mường), buɲ (14), βuɲ (7) [NV Tài 2005: 231].
dt. <từ cổ> tro, xét “tro” còn có các đồng nguyên tự là “lọ” và “nhọ” với nghĩa màu tro than. Như vậy, “khói” gốc Hán, “tro” gốc Việt, “mun” gốc Nam Á. Tuy nhiên, “tro” vẫn luôn được dùng phổ biến, nên chuyển nghĩa thành “khí màu xám đục bốc lên từ tàn lửa tro bụi”. Mặt khác, “khói” cũng có đối ứng kʰɔj3 (Mường), kăhɔi3 (Rục), kahɔɔy (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 61], chứng tỏ gia nhập rất sớm. Am rợp chim kêu hoa xảy động, song im hương tịn khói sơ tàn. (Ngôn chí 17.4).
dt. hơi bốc lên từ mặt nước, hoặc khí mù. Khói trầm thuỷ quốc quyên phẳng, nhạn triện hư không gió thâu. (Ngôn chí 14.5, 19.4).
khấp khểnh 泣輕
tt. đồng nguyên tự với gập ghềnh. Am cao am thấp đặt đòi tầng, khấp khểnh ba làn, trở lại bằng. (Ngôn chí 16.2).
kém 歉
◎ Nôm: 劔 / 劍 歉 “khiểm: ăn không no” (歉,食不满) [Thuyết Văn], lưu tích còn trong từ đói kém. chữ 嗛 (khiếm) nghĩa là “mất mùa”. Chữ 欠 (khiếm) nghĩa là “không đủ, thiếu”. Chữ 減 (giảm, x. keo) nghĩa là “kém đi, sút đi, không bằng”. 慊 (hiềm, thanh phù kiêm) nghĩa là “nghèo” (慊,貧也) [Quảng Nhã], từ đó cho động từ “hiềm” (ganh ghét vì kém hơn người) thông với 嫌. Có chuỗi đồng nguyên trong tiếng Hán là 歉 = 欠 = 嗛 = 減 = 慊 = 嫌 [bổ sung cho Vương Lực 1982: 624- 625]. Tiếng Việt còn bảo lưu âm khem trong kiêng khem, hèm trong tên hèm. Từ chuỗi đồng nguyên trong tiếng Hán, có chuỗi đồng nguyên trong tiếng Việt kém - giảm - khem- hèm. Ss đối ứng kɛm (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 229]. Như vậy, kém là từ hán Việt-Mường.
tt. yếu, không giỏi. (Ngôn chí 6.2)‖ Người cười rằng kém tài lương đống, thửa việc điều canh bội mấy phần. (mai 214.7).
tt. ít, không nhiều. Tài lẹt lạt nhiều, nên kém bạn, người mòn mỏi hết, phúc còn ta. (Ngôn chí 8.5)‖ (Bảo kính 163.3).
tt. thua, không bằng. Ngỡ ốc nhượng khiêm là mỹ đức, đôi co ai dễ kém chi ai. (Tự thán 91.8)‖ (Bảo kính 184.2)‖ (Hoa mẫu đơn 233.2).
lang 朗
◎ Chuỗi đồng nguyên tự: lang - loang - khoang.
dt. loang, các màu xen lẫn nhau thành vệt lớn. Lỗi hoà đàn, tinh Bắc Đẩu, lang một điểm, thuỵ Liêu Đông. (Trư 252.4).
lầm nhơ 淋洳
◎ Phiên khác: lấm nhơ (BVN). Xét, lấmlầm đều là các đồng nguyên tự, đều là danh từ trỏ “bùn”, lưu tích còn trong lầm than, lấm láp, lấm tấm [Taberd 1838: 251]. Sau, lấm chuyển dần sang làm động từ hoặc tính từ, như lấm tay, lấm chân [Taberd 1838: 251].
dt. bùn bẩn. Lầm nhơ chẳng bén, tốt hoà thanh, quân tử kham khuôn được thửa danh. (Liên hoa 243.1), dịch câu xuất ư nê nhi bất nhiễm 出淤泥而不染 trong ái liên thuyết của Chu Đôn Di.
lập 立
◎ Chuỗi đồng nguyên tự: lập - rắp - rập x. rập
đgt. dựng, rắp (tâm). Trị dân sơ lập lòng cho chính, có nước thường in nguyệt khá rây. (Bảo kính 137.5).
lợi 利
AHV: lị. Kỵ huý Lê Thái Tổ [NĐ Thọ 1997: 57- 62]. Chuỗi đồng nguyên tự: lời - lợi - lỡi - lãi.
dt. được về của cải. (Ngôn chí 20.6)‖ (Bảo kính 128.3)‖ Bể học trường văn hằng nhặt bới, đường danh suối lợi, hiểm khôn tìm. (Bảo kính 150.4, 165.2, 173.7).
mô 謨
pt. không. Nam Đường thư ghi: “Người Việt không tin, chưa thể tiến nhanh.” (越人謨信, 未可速進). Xét, - - mựa - phủ đều là các đồng nguyên tự.
pt. <từ cổ> đâu, đâu có, đâu nào, lưu tích còn trong Phng. Nghệ An [TH Thung 1997: 156]. Chân tay dầu đứt bề khôn nối, xống áo chăng còn dễ xin. (Bảo kính 142.5).
mướn mung 慢夢
◎ Phiên khác: muộn mùng: muộn mằn, chậm trễ, lỡ thời (TVG), muộn màng (BVN), muộn mòng: thuê mướn (ĐDA), mượn mòng: thuê mướn (MQL, PL). Xét, “muộn” luôn được ghi bằng thanh phù 悶 trong lịch sử. Chữ “mượn” hơi khác nghĩa so với “mướn” dù là hai đồng nguyên tự. “mượn” nghĩa là “dùng nhờ đồ của người khác”, còn “mướn” là “chịu giá thuê mượn ít lâu” như thuyền mượn lái mướn [Paulus của 1895 t2: 59]. Ss đối ứng maɲ, muən (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 245].
đgt. thuê, âm “mướn mung” là một dạng láy theo khuôn “ung hoá”, như Lạnh lùng, sượng sùng, thẹn thùng, ngại ngùng… ruộng đôi ba khóm đất con ong, đầy tớ hay cày kẻo mướn mung. (Thuật hứng 56.2).
mật 蜜
dt. chất ngọt của nhị hoa, của mía hay của ong tạo nên, đồng nguyên với mứt. Miệng người tựa mật, mùi qua ngọt, đạo thánh bằng tơ, mối hãy dài. (Tự thán 91.5).
mẽ 󱫣
◎ Kiểu tái lập: *kmẽ. “mẽ”, “mã” và “vẻ” là các đồng nguyên tự. “mẽ” còn lưu tích trong “khoe mẽ”. khng. còn nói: “chỉ được cái mẽ bề ngoài” hoặc “chỉ được cái mã”, “làm mầu làm mè”, “làm dáng làm vẻ”. “khoe mẽ” gần với “tỏ vẻ”. Mối quan hệ v-/ m- là điều đã được chứng minh. Phiên khác: mẩy (TVG), mẻ: hồi chuông (ĐDA), mỉa: giống (PL).
dt. vẻ. Phồn hoa một đoạn tỉnh mơ, mẽ chuông tàn cảnh sất sơ. (Tự thán 108.2). Nhà thơ Khuất Nguyên trong bài Bốc cư có câu: “chuông vàng bỏ nát, nồi đất vang rền. Đám nịnh nghễu nghện, người hiền bặt tên.” (黃鐘毀棄,瓦釜雷鳴. 讒人高張;賢士無名). Câu này hàm ý người tài trí thì bị chịu tội, còn những kẻ bất tài thì được ân sủng. pb mỉa.
ngâm 吟
◎ Chuỗi đồng nguyên: hàm, cằm, ngàm, ngậm, ngâm,… [TT Dương 2011b]. Ss đối ứng ŋɤm (26 thổ ngữ Mường), tɤm, dɤm (5 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 248].
đgt. ngậm tiếng nhả chữ. (Ngôn chí 4.8)‖ Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, nừng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm. (Ngôn chí 5.8, 9.7, 13.5)‖ (Trần tình 43.2)‖ (Thuật hứng 52.4)‖ (Bảo kính 157.5, 159.3, 160.8, 178.4)‖ (hoa mẫu 233.3).
ngươi 人
◎ Nôm: 𤽗
đt. đtnx.. ngôi thứ hai, trại âm của người. chuỗi đồng nguyên tự: ngài - người - người - nhân. (Tự thuật 120.8)‖ Cưu một lòng ngay khác chúng ngươi, ở chưng trần thế mấy phen cười. (Bảo kính 138.1). x. người.
dt. trong tôi ngươi (bề tôi của người). x. tôi ngươi.
ngậm 吟
◎ Chuỗi đồng nguyên: hàm, cằm, ngàm, ngậm, ngâm, gậm… [TT Dương 2011b]. Ss đối ứng ŋɤm (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 248].
đgt. khép mỏ lại, không hót nữa. Chim có miệng kêu, âu lại ngậm, cáo khuyên lòng ở, mựa còn ngờ. (Tự thán 108.3). gậm.
nén 𱴸
◎ (sic),các văn bản nôm thường bị nhầm chữ “碾” (AHV: niễn) với chữ Nôm “nặng” 𥘀, dẫn đến một số từ điển đã sưu tập những tự dạng này [NQH 2006: 741]. Xét, “niễn 碾: con lăn, ống trục nghiền như cái con lăn để tán thuốc vậy, dùng bánh tròn hay cột tròn lăn cho nhỏ đất cũng gọi là niễn.” [ĐT Kiệt 2010]. Như vậy, niễn sẽ cho các đồng nguyên tự là nghiến (chèn lên, nghiến răng), nghiền (-bột, -cám) và nèn (dùng lực đè lên cho chặt), nén (đè xuống ghìm xuống). Phiên khác: rán: cố gắng (BVN). Nay theo TVG, ĐDA, Schneider, VVK, MQL, PL.
đgt. ghìm lại, kìm lại, “đè nén: suspicari” [Taberd 1838: 330]. Nén lấy hung hăng bề huyết khí, tai nàn chẳng phải lại thung dung. (Tự giới 127.7). Nén niềm vọng mựa còn xốc xốc (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú).
năm 稔 / 年
◎ Nôm: 𢆥 AHV: nhẫm, nẫm, niên, đây đều là các đồng nguyên tự. Sách Quảng Nhã ghi: (稔年也). Sách Tả Truyện  tương công nhị thập thất niên ghi:  “Lời nói đó không tới năm năm.” (所謂不及五稔者 sở vị bất cập ngũ nhẫm giả). Ss đối ứng năm (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 245].
dt. trỏ quãng thời gian gộp của bốn mùa. Ở thế nhiều phen thấy khóc cười, năm nay tuổi đã ngoại tư mươi. (Tự thuật 120.2).
om thòm 痷󰠐
◎ Phiên khác: âm thầm: buồn rầu, ngấm ngầm (TVG), om thòm (BVN, MQL), om sòm (Schneider, PL).
đgt. <từ cổ> (tiếng kêu lớn) điếc tai, còn có biến âm là om sòm [Paulus của 1895: 789], “om sòm: strepitus, fragor” [Taberd 1838: 384]. Mấy phút om thòm dường tích lịch, một cơn lừng lẫy tựa phong ba. (Giới nộ 191.5). om đồng nguyên với um, trong quát um, ỏm trong kêu ỏm tỏi.
phút 𤼵 / 丿
◎ Các bản phiên trước nay đều phiên bằng hai cách: phútphát. Xét, đây là hai đồng nguyên tự. Nay thống nhất.
dt. <từ cổ> lần, bận, thường trỏ quãng thời gian ngắn. Thế kỷ 19 có các nghĩa “thình lình, bấy giờ, một giây một lát. Một phút. id. phút chốc: bỗng chốc, tức thì. Phút thấy: ngó thấy thình lình. Phút đồng hồ: phần thứ sau mươi trong một giờ” [Paulus của 1895: 827]. Như vậy, đến thế kỷ 19, “phút” đã được dùng để dịch thuật ngữ thời gian theo công nghệ của phương Tây. (Ngôn chí 16.7, 22.2)‖ (Mạn thuật 26.2)‖ (Trần tình 42.2)‖ (Tự thán 77.7, 85.3, 104.2)‖ Cửa động chẳng hay lìa nẻo ấy, bích đào đã mấy phút đâm hoa. (Tự thuật 118.8)‖ (Bảo kính 138.3, 167.3)‖ (quy côn 189.1)‖ (Giới nộ 191.5)‖ (Tích cảnh 207.4)‖ (Hoè 244.2, 244.2) ‖ (Dương 247.4).
quáng 爌
◎ Chuỗi đồng nguyên tự trong tiếng Hán là 曠 - 光 - 晃 - 景 - 影 - 煌 - 朗 - 映 - 炅 - 晃 - 爌 - 黋 - 耿 - 炯 - 熲 - 熒 - 螢 sẽ cho chuỗi đồng nguyên trong tiếng Việt là sáng - quang - quáng - ráng - rạng - láng - lánh - nháng - nhánh - ánh - áng - huỳnh / hoàng - nhoáng - xáng (ở nghĩa “sáng” và có liên quan đến ánh sáng), bổ sung cho nghiên cứu của Vương Lực [1982: 344- 347; x. TT Dương, NH Vĩ 2013c].
tt. sáng chói, sáng loá mắt. Nắng quáng, sưa sưa bóng trúc che, cây im, thư thất lặng bằng the. (Tự thán 79.1)‖ (Lão mai 215.4).
ruộng 壟 / 壠
◎ Nôm: 𬏑 / 𪽞 Đọc theo âm THV. Nguyên tiếng Hán có các nghĩa: ruộng, bờ ruộng, luống cày và nơi cao nhất trong khoảnh ruộng dùng để táng mồ mả, từ nghĩa này lũng mới có nghĩa là “cái mả” (nghĩa này hay được dùng từ đời Tần đến đời Tấn). Với nghĩa là cái gò cao, 壟 còn có các đồng nguyên tự là 隴, 陵, 陸, 隆 [Vương Lực 1984: 314-315]. Kiểu tái lập cho âm HTC: *roŋ [Schuessler 2007: 363]. Chúng tôi tái lập là *throŋ, sau cho âm thung lũng trong tiếng Việt với nghĩa gộp trỏ “không gian có nhiều gò (cao) và khoảng đất trũng giữa các gò đó (thấp), cũng tương tự như *throŋ cho âm thuồng luồng (một tên gọi khác của con rồng, như Nguyễn Tài Cẩn đã gợi ý. x. rồng). Từ Hán Việt lũng đoạn cũng có nghĩa gốc như trên. Như vậy, chữ lũng 壟 có các lưu tích ruộng, luốngthung lũng trong tiếng Việt. Ngoài ra, chữ lục 陸 (một đồng nguyên tự khác nữa của nó) còn cho âm rộc (nghĩa là ruộng nước ven ngòi lạch hoặc trong hẻm núi) [NQ Hồng 2008: 962]. Ví dụ: nhất sở rộc tân xứ [một thửa ở xứ rộc tân] (bia 10500, khắc năm 1598). thèm nỡ phụ canh cua rộc (Nguyễn Bỉnh Khiêm - Bạch Vân Am 8b). ruộng rộc [Béhaine 1773: 509; Paulus của 1895: 260]. Phng. Nghệ An: rọng: ruộng. rọng bề bề không bằng nghề cầm tay. Tng. [TH Thung 1997: 225]. Kiểu tái lập: kiểu tái lập: *tʰroŋ⁴. [TT Dương 2012c]. Ss đối ứng hrɔŋ (4 thổ ngữ Mường), rɔŋ (13), hɔŋ (2), lɔj (1) [NV Tài 2005: 256]. Như vậy, ruộng là gốc Hán, nương - nội gốc Việt.
dt. đất cày cấy. (Trần tình 43.7)‖ Ruộng đôi ba khóm đất con ong, đầy tớ hay cày kẻo mướn mung. (Thuật hứng 56.1)‖ (Bảo kính 129.7, 140.7, 150.7, 177.7)‖ (Nghiễn trung ngưu 254.5).
rã 攞
◎ Nôm: 呂 (lã, lữ). Tập Vậnvận hội ghi: 攞裂也 (la: rách tã ra). Chuỗi đồng nguyên tự: rã, rữa, sã, trữa, tã, tở.
đgt. hỏng nát. Hoa càng khoe tốt, tốt thì , nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi. (Tự thán 85.5).
rượu 酒
◎ Nôm: 𨢇 / 𲆴 Đọc âm THV. AHV: tửu. Kiểu tái lập: oc *r- , đồng nguyên với 醪, âm HTC là *ru. [Schuesssler 2007: 321]. Tương ứng r- t: râu ~ tu ~ tua 鬚, rể ~ tế 婿, rửa ~ tả 瀉, rượu ~ tửu 酒. [NN San 2003: 79]. Ss đối ứng: raw4 (muốt), haw4 (nà bái), raw4 (chỏi), raw- (khẻn) [PJ Duong 2012: 10].
dt. thức uống làm từ men gạo. (Ngôn chí 9.1)‖ (Mạn thuật 31.8)‖ Con cờ khảy, rượu đầy bầu, đòi nước non chơi quản dầu. (Trần tình 41.1, 43.1)‖ (Thuật hứng 61.2)‖ (Tự thán 76.5, 80.6, 86.8, 110.7)‖ (Tự thuật 121.4)‖ (Bảo kính 153.5) rượu đục. Ss Giang Yêm trong bài Đào trưng thi có câu: “Tuy rằng cày cuốc mỏi, rượu đục đà tự thích.” (雖有荷鋤倦,濁酒聊自適 tuy hữu hạ sừ quyện, trọc tửu liêu tự thích)‖ (Bảo kính 178.6, 186.7)‖ Túi đã không tiền, khôn chác rượu, vườn tuy có cúc, chửa đâm hoa. (Quy Côn Sơn 189.3). Uống rượu đánh bài. (Phật Thuyết 20b). Người thơ khách rượu rộn mời. (Hồng Đức 3a). Hết cơm hết rượu hết ông tôi. (Bạch Vân Am 16a). hảo tửu: rượu cực ngon nồng (CNNA 16a).
rỡ 焒
◎ Trùng hình với “lửa”. Xét, “lửa” và “rỡ” đều là đồng nguyên tự. Trong đó, “lửa” (danh từ) là nguyên từ. Trong lịch sử hai chữ này cũng chỉ dùng thanh phù . Một phái sinh khác còn thấy trong tiếng Katu là rạ? (bén lửa) với tư cách là động từ [NH Hoành 1998: 248]. Kiểu tái lập là *hra³ sẽ cho lửarỡ (tính từ, động từ bất cập vật) [TT Dương 2013b].
tt. đgt. rực lên, làm cho rực rỡ lên. Ngày chầy điểm đã phong quần đỏ. Rỡ tư mùa một thức xuân (Trường an hoa 246.4).
rụng rời 𬈭浰
◎ Phiên khác: rụng rơi (ĐDA). Xét, “rụng rơi” và “rụng rời” đều là các đồng nguyên tự. Nhưng ở đây, đang thuộc khuôn vần -ời (dấu huyền) nên phiên như vậy.
đgt. <từ cổ> ý mạnh hơn rụng, đến thế kỷ XIX thấy đã có nghĩa dẫn thân “hãi kinh, sợ sệt” [Paulus của 1895: 884]. Thân nhàn đến chốn dầu tự tại, xuân muộn nào hoa chẳng rụng rời. (Thuật hứng 59.6).
tai 鰓 / 腮
◎ Nôm: 𦖻 Nguyên nghĩa là cái mang cá, lô cư cá vức bốn tai . CNNA, 四鰓鱸 tứ tai lư: cá lô có mang bành rộng, để hở vân mang đỏ tía, tựa như có bốn mang [Từ Hải: 913, 1544; Huệ Thiên 2004: 55]. Sách Tập Vậnvận hội ghi: “Tang tài thiết, âm tai, xương hai bên má cá.” (桑才切,𠀤音顋。魚頰中骨也). Tiếng Việt có từ mang tai (mang = tai) được hình thành từ lối giải âm. bạt tai: dùng bàn tay tát vào cả má tai. Tiếng Hán còn có một đồng nguyên tự nữa là tai 顋 cùng trỏ xương hai bên má, như cười ngoác mang tai. đầu cua tai nheo. Tng. âm PVM: *saj [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Ss t’aj² (nguồn), t’aj² (Mường bi), saj⁴ (Chứt), kutu:r (Vân Kiều) [NV Tài 1993: 235; 2005: 272]. Như vậy, tai là một từ Nam Á gốc Hán.
dt. bộ phận thính giác. (Ngôn chí 6.8)‖ Hễ tiếng dữ lành tai quản đắp, cầu ai khen miễn lệ ai chê. (Thuật hứng 48.7, 57.8, 60.7)‖ (Tự thán 76.7, 84.6, 92.4)‖ (Bảo kính 165.8)‖ (Trừ tịch 194.6)‖ (Tích cảnh thi 201.1).
thao 縧 / 縚 / 絛
◎ Nôm: 絩 Phiên khác: thêu (ĐDA, Schneider, VVK, PL), nhiễu (TVG, BVN, MQL). Xét chữ Nôm là chữ tự tạo 絩, mà 兆 có AHV là “triệu” không có phiên án phương âm nào khả dĩ, vì vậy “兆” là cách viết tắt của thanh phù 洮 có AHV là “thao”. thêu là động từ, thao là danh từ (dây thao, nón quai thao, đánh thao), điều là danh từ (chiếu cạp điều). Chỉ có “thao” (danh từ) mới chuẩn đối với “muối” cũng như “dưa”, “gấm”. Nay cải chính. Về Từ Nguyên, “thao” là từ gốc Hán với ba tự dạng đã nêu. Sách Ngọc Thiên ghi: “Thao: dây gấm” (纓飾), sách Quảng Vận ghi: “Bện tơ thừng” (編絲繩), sách Chu Lễ có lời chú: “thao đọc như chữ 絛”, tết dải mũ, đều lấy tơ để trang sức” (條,讀爲絛。其樊及纓,皆以絛絲飾之). Chuỗi đồng nguyên: thao - điều - thêu.
dt. dây dệt từ tơ lụa có hoa văn đẹp. Muối miễn dưa dầu đủ bữa, thao cùng gấm mặc chưng đời. (Tự thán 104.4).
thăm 探
AHV: thám.
đgt. viếng chơi. Thu cao, thỏ ướm thăm lòng bể, vực lạnh, châu mừng thoát miệng rồng. (Thuỷ trung nguyệt 212.5)‖ x. Có khuở viếng thăm bạn cũ, lòng thơ ngàn dặm, nguyệt ba canh. (Bảo kính 169.7).
đgt. <từ cổ> dò tin, trong tiếng Hán, 探 đồng nguyên với 沁/滲. x. tăm. Lưu tích còn trong tăm tia, thăm dò (滲覦), săm soi, thâm nhập (滲入), do thám. Làm sứ đi thăm tin tức xuân, lay thay cánh nhẹ mười phân. (Điệp trận 250.1).
trốc 髑
◎ Nôm: 祿 AHV: độc. Nôm: lộc 祿, có thể ghi âm Việt hoá thời này là *tlốc. Tiếng Hán có từ độc lâu 髑髏, còn có đồng nguyên tự là đầu lâu 頭顱 [Schuessler 2007: 217]. Thế kỷ XVII, Rhodes ghi nhận tlọctlọc đầu [1651 tb1994: 232]. Trong tiếng Việt, trốc còn trỏ bệnh nấm làm rụng tóc ở trên đầu, ngoài ra còn có từ trọclốc (cùng để trỏ đầu không tóc), từ trọc lốc (lóc). *tlốc> hoà đúc > trốc. *tlốc > rụng [t-] > lốc, lóc. Kiểu tái lập: *tlok⁵. [TT Dương 2012c].
dt. <từ cổ> đầu. Đạo quân thân nhẫn dầu ai lỗi, hổ xanh xanh ở trốc đầu. (Bảo kính 159.8).
trỗi 磊
◎ Kiểu tái lập: *blỗi. tắt nghỉ lăn trong đất, thì hét mãi mới trỗi < (Phật Thuyết 22b7). trỗi ghi bằng 𱡓 {bả 把+ lỗi 磊}, dịch chữ 甦 (sống dậy, sống lại). blỗi : trỗi, vượt. blỗi hơn, biét hơn: vượt trỗi hơn những người khác trong sự hiểu biết” [Rhodes 1651 tb1994: 40]. tử trúc: trúc tía trỗi chân cháu rồng (CNNA 66b), trỗi ghi bằng 耒. gõ đá vang lừng trỗi nhạc tiên (trịnh sâm- bia 1770), trỗi ghi bằng 㩡. lỗi còn có thể hiểu là lỗi lạc, nổi trội…và hiểu là : giữa mùa đông xám xịt mà riêng hoa mai trỗi dậy một vẻ xuân [MQL 2001: 1116]. Chuỗi đồng nguyên tự: lỗi (trong lỗi lạc), trỗi (- dậy), trội (trong vượt trội, ưu trội). Kiểu tái lập: *ploi⁴. [TT Dương 2012c]. Phiên khác: lỗi: không đúng (TVG, ĐDA), trổi (PL). Nay theo Schneider, BVN.
đgt. <từ cổ> bật lên, nổi bật lên, lưu tích còn trong nổi trội hay trỗi dậy. Giữa mùa đông trỗi thức xuân, nam chi nở cực thanh tân. (mai 214.1).
vây 圍
AHV: vi. dt. tường bao chung quanh bốn phía một không gian. Chuỗi đồng nguyên tự: vây, vầy, quây.
đgt. quây chung quanh, Nội hoa táp táp vây đòi hỏi, doanh liễu khoan khoan kháo lữa lần. (Điệp trận 250.3).
đgt. <từ cổ> vây hãm, bủa vây, ràng buộc. Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa sày, có thân chớ phải lợi danh vây. (Ngôn chí 11.2).
vầng 暈
AHV: vựng, âm phiên thiết: vương vấn thiết 王問切 (Quảng Vận, Tập Vận, vận hội). dt. quầng / hừng sáng bao quanh mặt trời, sau trỏ cả quầng sáng của mặt trăng [Thích Danh]. Chuỗi đồng nguyên: hừng, hửng, vừng, vầng, quầng. [NH Vĩ 2011a: 349].
dt. lượng từ của nhật, nguyệt. (Trần tình 42.6)‖ No nao biết được lòng tri kỉ, vạnh non tây nguyệt một vầng. (Bảo kính 161.8, 165.5)‖ Khoan khoan những lệ ác tan vầng. (Tích cảnh thi 199.4). “nhà thơ muốn nói: chậm thôi, chậm thôi, sợ mặt trời lên thì vầng đông cũng tan mất, một ý thơ tinh tế” [NH Vĩ 2011b: 349].
vầy 圍
AHV: vi. Tục tự: 圍.
đgt. <từ cổ> “nhóm họp, xúm xít, vây quanh. vầy lại id. sum vầy: sum họp đông đảo. vui vầy: vui vẻ chung cùng. vầy lửa vầy củi: đem củi lửa lại, nhúm lửa một bên, (làm cho ấm)” [Paulus của 1895: 1151]. Áng cúc thông quen vầy bậu bạn, cửa quyền quý ngại lượm chân tay. (Tự thán 75.3). Chuỗi đồng nguyên: quây - vây - quầy - vầy.
xem 瞻
◎ Nôm: 𫀅 / 䀡 AHV: chiêm. Có các đồng nguyên tự là 佔, 覘 (siêm). Âm HTC là ţʰam? *threm, xem [sem] Việt < *tśʰj- hoặc ţʰj- [Schuessler 2007: 604]. *tjam [Baxter 1992: 539]. Ss đối ứng k’ɔk (2 thổ ngữ Mường), kɔj (7), ŋɔ (17) [NV Tài 2005: 290]. Như vậy, xem - ngóng (顒) - coi (觀) là từ gốc Hán, ngó - ngắm - nhìn từ gốc Việt-Mường.
đgt. nhìn. Kinh Thi phần Bội phong bài Hùng trĩ có câu: “Xem nhật nguyệt kia, lòng ta dặc dặc.” (瞻彼日月, 悠悠我思 chiêm bỉ nhật nguyệt, du du ngã tư). Chà mai đêm nguyệt, dậy xem bóng, phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu. (Ngôn chí 3.3, 11.4)‖ (Trần tình 38.5)‖ (Tự thán 95.5, 105.5)‖ (Bảo kính 155.1)‖ (Thuỷ trung nguyệt 212.2)‖ (Thuỷ thiên nhất sắc 213.2)‖ (Trư 252.7). x. ngắm xem.
đgt. đọc. Tham nhàn lánh đến giang san, ngày vắng xem chơi sách một an. (Ngôn chí 17.2, 20.3)‖ (Tự thán 103.6)‖ (Ba tiêu 236.4).
đgt. cho rằng. Liều cửa nhà xem bằng quán khách, đam công danh đổi lấy cần câu. (Mạn thuật 30.3)‖ (Thuật hứng 48.6)‖ (Bảo kính 162.5, 186.5).
đgt. xem xét, cân nhắc. Cơn cớ nguyền cho biết sự do, xem mà quyết đoán lấy cương nhu. (Bảo kính 152.2).
đgt. chiêm nghiệm. Để truyền bia miệng kiếp nào mòn, cao thấp cùng xem sự trật còn. (Bảo kính 182.2).
đgt. coi, xem (lịch). Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi, ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài? (Trừ tịch 194.8).
xen 杄
chen. Xét, chen- xen là các đồng nguyên tự. Nhưng về mặt chữ Nôm tʰ- ghi s- (do AHV không có s-), còn âm “chen” được ghi bằng một tự có thuỷ âm c-, như”chiên” (氈).
tt. xen kẽ, chen kẽ. Một cày một cuốc, thú nhà quê, áng cúc lan xen vãi đậu kê. (Thuật hứng 48.2).
đi 移 / 迻
◎ Nôm: 𠫾 / 𪠞 Sách Thuyết Văn ghi: “Di: chuyển đi/ chuyển di” (迻遷徙也). Sách Quốc Ngữ phần Tề ngữ ghi: “Thì dân không đi” (則民不移) [Vương Lực 1982: 572]. Xét, đối ứng d- đ- như: dao đao 刀, dải đái 帶, dừng đình 停, dĩa đĩa / điệp 碟, dĩ đã 已. Mặt khác, ta có chuỗi đồng nguyên 移 = 迻 = 徙 = 之. Riêng 之 được tái lập âm HTC là tiə [Schuessler 2007: 613]. Ss đối ứng ti² (nguồn), ti² (Mường bi), ti¹ (Chứt), pâ? (Vân Kiều) [NV Tài 1993: 235].
đgt. dời vị trí. Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động, đường ít người đi cỏ gấp xâm. (Ngôn chí 5.4, 21.1)‖ (Tự thán 91.4, 100.6, 101.8)‖ (Tức sự 126.5)‖ (Miêu 251.5).
đgt. (bóng) theo. Thế gian đường hiểm há chăng hay, cưỡng còn đi ấy thác vay. (Tự thuật 112.2).
đgt. trái với về. Yên phận cũ chăng bằng phận khác, cả lòng đi mặc nhủ lòng về (Bảo kính 141.6)‖ (Thuật hứng 64.2)
đgt. ra chỗ khác. Đắc thì thân thích chen chân đến, thất sở láng giềng ngảnh mặt đi. (Thuật hứng 57.4).
đgt. mất, qua mất. Cướp thiếu niên đi, thương đến tuổi, ốc dương hoà lại, ngõ dừng chân. (Vãn xuân 195.3).
điểm 點
dt. đồng nguyên với chấm, đốm. Tác ngâm song có mai và điểm, dời ngó rèm lồng nguyệt một câu. (Bảo kính 159.3)‖ Lại có hoè hoa chen bóng lục, thức xuân một điểm não lòng nhau. (Hạ cảnh tuyệt cú 197.4)‖ (Trường an hoa 246.3)‖ (Trư 252.4).
đgt. chấm vài hạt. Tuyết sóc treo, cây điểm phấn, quỹ đông dãi, nguyệt in câu. (Ngôn chí 14.3)‖ Đình Thấu Ngọc tiên sanh tuyết nhũ, song mai hoa điểm quyển Hy Kinh. (Tự thán 107.4).
đạp 踏
đgt. giẫm, bước, xéo lên. Quét trúc bước qua lòng suối, thưởng mai về đạp bóng trăng. (Ngôn chí 16.4)‖ (Trần tình 41.3)‖ (Thuật hứng 60.6)‖ (Tự thán 77.4). Ss đồng nguyên với đạp (dùng chân đá cho tung ra), như Đỗ Phủ trong bài Mao ốc vị thu phong sở phá có câu: “con bé ngủ ngang đạp rách chăn” (嬌兒惡卧踏裏裂).
đầm hâm 覃歆
tt. <từ cổ> ấm áp, có khả năng đồng nguyên với “đầm ấm”. Túi thơ bầu rượu quản xình xoàng, quảy dụng đầm hâm mấy dặm đàng. (Ngôn chí 9.2)‖ Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm, có mấy bầu sương nhuỵ mới đâm. (Cúc 240.1). Cỏ hoa xuân đến cũng đầm hâm. (Bạch Vân Am b.36).
đỗ 住
◎ Nôm: 杜 đỗ âm THV, “(djuc) LH doC, …to stop”, ngoài ra còn có 躅 (trú: dừng chân) và 逗 (đậu: đỗ) là các đồng nguyên tự. [Schuessler 2007: 625]. Zhù < drjuh < drjos [Baxter 1992: 195]. trú còn cho âm Việt hoá nữa là trọ (ở nhờ, ở thuê), trụ (giữ lại, như trụ hạng). AHV: trú.
đgt. dừng lại. Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ, trời ban tối ước về đâu? (Ngôn chí 14.7)‖ (Trần tình 42.5)‖ (Tự thán 83.5)‖ (Điệp trận 250.8).
đgt. <từ cổ> đậu lại mà làm tổ. Chim đến cây cao chim nghĩ đỗ, quạt hay thu lạnh quạt sơ thâu. (Trần tình 40.5)‖ (Tức sự 123.3)‖ (Nhạn trận 249.5). đỗ làm tổ đến chốn non cao < 巢棲到高山 (TKML ii 31a - sơn điểu).
đgt. <từ cổ> trú, lưu lại. Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.5)‖ (quy côn 189.2).
đgt. trái với Trượt, như trụ hạng. Mấy người ngày nọ thi đỗ, lá ngô đồng khuở mạt thu. (Ngôn chí 3.7).
đông 凍
◎ Nôm: 冬 AHV: đống. Chuỗi đồng nguyên: đống - đông (đặc) - đóng (băng) - đọng (sương).
đgt. đóng thành, đọng thành, kết thành. (Ngôn chí 14.2)‖ Giang san dạm được đồ hai bức, Thế giới đông nên ngọc một bầu. (Ngôn chí 19.6).
đgt. đúc nên. Bút thiêng Ma Cật, tay khôn mạc, Câu kháo Huyền Huy, ý chửa đông. (Thủy thiên nhất 213.6).